Ông Nguyễn Phúc Long, Phó chủ Tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long.
Bất chấp những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của toàn hệ thống chính trị, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, gây tổn hại tới toàn nền kinh tế. Con số 85.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 8 vừa qua thực sự gây lo lắng cho xã hội.
Làm sao chặn đà khủng hoảng này, duy trì và giữ nhịp giúp các doanh nghiệp dần ổn định để phát triển? Các doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì để có thể “đạp sóng dữ” phục hồi và tìm kiếm lợi nhuận?
Chia sẻ từ kinh nghiệm đưa doanh nghiệp không những “sống sót” mà còn “sống tốt” giữa bão Covid-19, ông Nguyễn Phúc Long, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (ThangLong Invest Group – TIG) đã có buổi trò chuyện cùng Doanh Nhân Trẻ Online với một số khuyến nghị gợi mở.
PV: Thưa ông, với dự kiến tăng trưởng lợi nhuận doanh vượt xa so với cùng kỳ năm ngoái, có vẻ Covid-19 chưa hề “ghé ngang” doanh nghiệp mình, công thức nào đã tạo nên kỳ tích này?
Ông Nguyễn Phúc Long: Nhờ có chiến lược phát triển bền vững, có kế hoạch đi trước đón đầu, không phải đối phó theo kiểu “ăn đong” nên doanh nghiệp chúng tôi luôn có những “bộ giáp”, “tấm khiên” giúp bảo vệ mình trước những tác động tiêu cực của Covid-19 để đạt doanh thu kỳ vọng, đảm bảo chăm lo đời sống cho nhân viên, đóng góp ngày càng lớn cho ngân sách Nhà nước và công tác xã hội, phát triển cộng đồng.
Cụ thể, để đạt được các thành quả trên, TIG đã có 2 chiến lược hành động rất căn cơ và dài hạn từ nhiều năm nay, đó là chiến lược đầu tư bền vững và quản trị tài chính doanh nghiệp bền vững.
Thứ nhất, về chiến lược đầu tư bền vững: Nguyên tắc đầu tư kinh doanh của TIG là tập trung vào các ngành nghề phát triển bền vững và theo nhu cầu thiết yếu của xã hội, không đầu tư vào các lĩnh vực theo “trend”.
Chẳng hạn, đối với lĩnh vực chính là bất động sản, TIG đặc biệt tập trung vào các dự án bất động sản xanh, chăm sóc sức khỏe theo mô hình “second home” – các dự án nghỉ dưỡng, nhà ở sinh thái ven đô. Trong bối cảnh của một số loại hình bất động sản gặp khó khăn bởi dịch bệnh vừa qua, sản phẩm nghỉ dưỡng sức khỏe – second home ven đô của TIG trở thành xu hướng đầu tư mới, “bơi ngược dòng” tăng trưởng mạnh trong năm 2020-2021.
Trong lĩnh vực đầu tư tài chính, chứng khoán: TIG đầu tư tài chính theo chiến lược lựa chọn doanh nghiệp tiềm năng, chỉ đầu tư theo nguyên tắc chi phối kiểm soát, tái cấu trúc thúc đẩy phát triển hoạt động kinh doanh chính, đưa doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, đồng thời chuyển đổi quỹ đất để thực hiện dự án bất động sản. Do vậy, các khoản đầu tư tài chính của TIG đảm bảo sự an toàn, bền vững và hiệu quả luôn nằm trong khả năng kiểm soát.
Cùng với đó là chiến lược đa dạng hoá lĩnh vực để phân tán rủi ro: TIG đã chủ trương đa dạng hoá đầu tư, “không bỏ hết trứng vào một giỏ”, giúp chúng tôi vẫn có các khoản đầu tư tăng tưởng bù đắp những rủi ro thị trường ảnh hưởng tới một số khoản đầu tư khác.
Thứ hai, chiến lược quản trị tài chính doanh nghiệp bền vững: Hạn chế tối đa sử dụng vốn vay, không dùng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn, không phát triển nóng bằng đòn bẩy tài chính. Bên cạnh đó, TIG chú trọng quản trị dòng tiền doanh thu tối ưu theo nguyên tắc 1 sản phẩm kiến tạo 2 hay 3 dòng tiền, ngắn hạn, trung và dài hạn, với mục đích là “lấy ngắn nuôi dài”.
Nhờ đó, TIG đã ưu tiên tích lũy được nguồn tiền mặt tối đa trong giai đoạn khủng hoảng thị trường, nâng cao sức đề kháng của doanh nghiệp và tạo động lực “bung, bật” mạnh khi thị trường phục hồi.
Nhờ kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng tài chính 2008 và chiến lược phát triển bền vững toàn diện được hoạch định căn cơ, nên trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh 2020-2021, TIG vẫn luôn vững vàng phát triển. Hoạt động đầu tư xây dựng, hoàn thiện sản phẩm bất động sản của TIG vẫn được ráo riết thực hiện tại một số địa phương cho phép hoạt động mùa dịch như dự án Vườn Vua resort&villas (Phú Thọ), chờ thời điểm “mở cửa” là TIG ngay lập tức có hàng hoá bất động sản mở bán, cạnh tranh…
Nền tảng doanh nghiệp vững vàng, tỷ trọng tiền mặt duy trì mức cao, hệ số nợ vay/vốn CSH của TIG hiện gần bằng không (0,001%), có thể nói là một trong những doanh nghiệp bất động sản hiếm hoi gần như chưa vay ngân hàng.
* Bài toán làm thế nào để có tích luỹ luôn khiến doanh nghiệp đau đầu, nhất là trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp rất cần “đốt nóng động cơ” để tái khởi động nền kinh tế. Đưa ra lời khuyên, ông sẽ nói gì?
Khi niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ có một kênh huy động vốn, đây không phải vốn vay mà là vốn góp nên không gặp áp lực trả lãi, đây là cơ hội nền tảng để phát triển nhanh hơn, giống như tấm khiên che chắn cho doanh nghiệp chống chọi tốt hơn.
Ông Nguyễn Phúc Long
– Bản thân doanh nghiệp của chúng tôi không phải là doanh nghiệp nhà nước hay tập đoàn lớn mà là doanh nghiệp tự thân. Cách đây 20 năm, từ một doanh nghiệp nhỏ chuẩn bị khởi nghiệp với vài chục triệu rồi phát triển dần, nếu như chúng tôi phát triển theo kiểu mô hình công ty gia đình, thì phát triển chắc chắn sẽ rất chậm, có lãi lời chắc cũng chỉ “nhỏ giọt”, gần như không đạt được mức tăng trưởng về quy mô, vốn và tài sản như công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Khi niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ có một kênh huy động vốn, đây không phải vốn vay mà là vốn góp nên không gặp áp lực trả lãi, đây là cơ hội nền tảng để phát triển nhanh hơn, giống như tấm khiên che chắn cho doanh nghiệp chống chọi tốt hơn.
Ví dụ như ta vay vốn ngân hàng nhiều thì chi phí vốn đã ngốn hết lợi nhuận, dẫu cố gắng tích lũy đến đâu cũng coi như bằng không. Vậy nên, có thể nói đây là mô hình củng cố sức mạnh khá hiệu quả mà doanh nghiệp cũng nên tham khảo.
Đồng thời rà soát lại các khoản đầu tư, thoái vốn hoặc tạm dừng các khoản đầu tư dài hạn có nguy cơ rủi ro và thanh khoản chậm, đặc biệt, ưu tiên tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các tài sản hấp dẫn giá rẻ, thanh khoản nhanh và tăng cường phát triển dự án mới, tích lũy quỹ đất phục vụ cho chiến lược tăng tốc và phát triển dài hạn sau dịch.
Bối cảnh hiện nay buộc doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại quản trị doanh nghiệp để tồn tại và phát triển bền vững. Ảnh: TL.
* Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần làm gì để có sức cạnh tranh và đủ nội lực để trụ vững, vượt qua dịch bệnh, thưa ông?
Doanh nghiệp cần xem việc trở lại hoạt động như là cuộc chạy đua marathon, điều chỉnh mô hình kinh doanh, tạo sức mạnh mới và sức bền để đi xa hơn nữa. Bối cảnh này buộc doanh nghiệp về cơ bản tập trung các giải pháp liên quan đến tái cấu trúc. Đây cũng là cơ hội, là thời gian để các doanh nghiệp tái cấu trúc lại quản trị doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Phúc Long
– Tôi cho rằng, phục hồi kinh tế không phải gượng dậy trên con đường cũ, mà chúng ta phải phục hồi mạnh mẽ trên con đường mới. Doanh nghiệp cần xem việc trở lại hoạt động như là một cuộc chạy đua marathon, điều chỉnh mô hình kinh doanh, tạo sức mạnh mới và sức bền để đi xa hơn nữa. Muốn vậy, việc đầu tiên doanh nghiệp cần làm là tập trung các giải pháp liên quan đến tái cấu trúc. Đây cũng là cơ hội, là thời gian để các doanh nghiệp tái cấu trúc lại quản trị doanh nghiệp.
Trong đó tập trung rà soát, tìm kiếm giải pháp bán hàng phù hợp với “thể trạng” doanh nghiệp, tăng cường công cụ kinh doanh online, và đẩy mạnh hoạt động kết nối đối với các diễn đàn xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư.
Tập trung củng cố vị trí của mình trong các chuỗi, tăng khả năng chống chịu, nâng cao hiệu quả và sẵn sàng thích ứng với những đòi hỏi trong tương lai… điều này không chỉ giúp doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid-19, mà còn để hướng tới việc kinh doanh bền vững hơn, vì lợi ích của chính bản thân doanh nghiệp và cũng để nâng cao năng lực hấp thụ những chính sách mà Chính phủ sẽ đưa ra những gói kích thích hướng đến phát triển nhanh, bền vững trong thời gian sắp tới.
Doanh nghiệp cũng phải tìm hướng đi phù hợp, để duy trì và phát triển. “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, do đó, các doanh nghiệp cần hợp sức lại với nhau, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cùng nhau vượt qua đại dịch, giống như là một bó đũa, nếu bẻ từng cái một thì rất dễ nhưng một bó đũa hợp lại thì rất khó bẻ, đấy gọi là tính liên kết trong kết cấu doanh nghiệp.
* Hướng đi trong thời gian tới của TIG là gì, thưa ông?
Với khả năng “đề kháng” tốt, chúng tôi sẽ có điều kiện để tiếp tục bứt phá trong thời gian tới. Không những đi trước một bước trong cạnh tranh nhờ duy trì được hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội, TIG còn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, tích lũy tài sản, quỹ đất trong giai đoạn này để chuẩn bị cho chiến lược phát triển bền vững, dài hạn trong nhiều năm tới. Với những nguồn lực tốt đã được tích lũy và chiến lược kiên định phát triển bền vững toàn diện, tôi tin tưởng TIG sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững và bứt phá trong thời gian tới.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Trước những khó khăn của làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4, TIG đã tích cực tham gia chung tay hỗ trợ các hoạt động xã hội từ thiện, cứu trợ với hơn 1 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vaccine và hoạt động chống dịch tại Hà Nội và Phú Thọ, gần 500 triệu đồng đóng góp cho các chương trình cứu trợ tại TP.HCM do Trung ương Doanh nhân trẻ Việt Nam phát động, như Chương trình “1000 suất ăn hàng ngày cho người nghèo TP.HCM; ATM Gạo; trao tặng máy thở; ATM Oxy; Xe cứu thương Doanh nhân Trẻ; “Siêu thị 0 đồng”; “Triệu bữa cơm – Tấm lòng doanh nghiệp trẻ Hà Nội”…
Về công tác phong trào doanh nhân trẻ, ông Nguyễn Phúc Long cho biết: TIG cũng như cá nhân ông với vai trò là một thành viên của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, CLB Xúc tiến thương mại và đầu tư Doanh nhân trẻ Việt Nam và Hội Doanh nhân trẻ Hà Nội luôn cảm thấy vinh dự khi được tham gia phong trào doanh nhân trẻ, hưởng ứng đóng góp cho các hoạt động xã hội từ thiện, vì cộng đồng, kết nối doanh nhân và thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong hệ thống doanh nhân trẻ Hà Nội và cả nước.
Các hoạt động xã hội, hỗ trợ cộng đồng trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Doanh nhân trẻ cả nước thực sự là những hành động ý nghĩa, thể hiện bản lĩnh vượt khó, sáng tạo và tinh thần tiên phong trong các hoạt động xã hội, chung tay vì cộng đồng và trách nhiệm của doanh nhân với xã hội và đất nước.